Bạn tôi…
Vô tình gặp hai em tại hành lang ngoài căng-tin Việt Huyết học và Truyền máu Trung ương. Đôi bạn cùng một căn bệnh, cùng một buồng bệnh, và cùng đẩy chung một chiếc cọc treo dịch truyền để đi ăn trưa. Sẽ có bạn thắc mắc tại sao các em lại tự đi ăn? Thực ra các em đều quá quen với bệnh viện rồi, cũng thật buồn, vì các em ở viện còn nhiều hơn ở nhà, và rằng bố mẹ các em đang vất vả mưu sinh ngoài kia để kiếm tiền viện phí.

Chúng tôi là những sinh viên y khoa, thường xuyên phải đến viện Huyết học và tiếp xúc với các em, những em nhỏ không may có những bất thường di truyền (gene) và gây ra những bệnh về máu. Hiện nay y học vẫn chưa thể chữa khỏi những căn bệnh này. Chúng sẽ theo các em suốt đời, và ngày một nặng lên. Dần dần, các em sẽ không còn chạy nhảy, rồi không đi được nữa, và đa số các em bệnh nặng phải sống chung với chiếc xe lăn ở tuổi thanh niên. Những em nhỏ 5-6 tuổi thì chưa biết về bệnh của mình, chúng đến viện vẫn vui tươi, ánh mắt hồn nhiên lắm. Còn nhiều em lớn hơn, như hai em trong ảnh, có lẽ các em đã biết sợ hãi bệnh tật, đã mệt mỏi vì mỗi tháng đến viện vài lần, đã lo lắng cho bố mẹ mình. Cậu bé ngồi trên lan can, ánh nhìn xa xăm, phải chăng em buồn vì một năm học nữa sắp đến, em vẫn phải đứng ngoài sân nhìn các bạn đá bóng mà chỉ dám ước ao, giá như…?
Nhưng, hy vọng của các em chưa phải đã tắt, vì y học đang tiến bộ hàng ngày. Có lẽ các bạn không thể biết y học thế giới phát triển nhanh như thế nào. Mình có thể so sánh thế này, hãy nhìn cách chiếc điện thoại di động thay đổi trong 10 năm, y học cũng thay đổi nhanh như vậy. Liệu pháp gene là tương lai của y học.
Và, để nuôi dưỡng hy vọng cho các em, để các em có thể sống phần nào khỏe mạnh chờ tới ngày đó, các em cần máu và các chế phẩm từ máu. Đây, mục đích chính của bài viết này, mình hy vọng các bạn sẽ tích cực hiến máu tình nguyện, để nuôi hy vọng cho các em, để dòng máu của bạn chảy trong những mầm non bé bỏng.
Gần đây, có rất nhiều chuyện xảy ra xung quanh việc làm từ thiện. Nhưng, mặc cho ai đúng ai sai, thì những em nhỏ không có lỗi, và các em xứng đáng được yêu thương. Mình xin được chia sẻ quan điểm cá nhân về vấn đề từ thiện. Hiện nay, thỉnh thoảng chúng ta lại thấy một tin đăng lên mạng xã hội về một hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp, và người ít người nhiều gửi tiền ủng hộ. Tất nhiên đó là lòng tốt của mọi người, không có gì sai cả. Nhưng thật buồn, có những kẻ lợi dụng lòng tốt của mọi người để trục lợi, và số tiền này hiếm khi được công khai, minh bạch. Với kinh nghiệm 3 năm đi học lâm sàng ở các bệnh viện, mình khẳng định những trường hợp khó khăn, rất khó khăn, nhiều hơn số bạn thấy trên mạng xã hội nhiều, thậm chí hàng trăm hàng ngàn lần. Một vài trường hợp may mắn nhờ mạng xã hội chia sẻ mà nhận được hàng trăm triệu đồng sau một đêm, nhưng còn hàng ngàn người thiếu may mắn khác, họ chẳng có gì cả. Hẳn các bạn còn nhớ em Hào Anh, đứa bé đáng thương nhận được hàng tỷ đồng tiền từ thiện, và cuối cùng đã vùi tuổi thanh xuân trong trại giam, và nhiều, nhiều trường hợp khác, đồng tiền từ thiện đã có tác dụng ngược lại những mong ước gửi vào nó. Vậy làm sao để lòng tốt của bạn được lan tỏa, được tới tay những người thực sự cần nó? Lời khuyên của mình, nói thế nào nhỉ, ừm, “tiễn Bụt thì tiễn đến Tây Phương”, nếu đã có lòng từ thiện, bạn hãy tìm hiểu kỹ, tổ chức, nhóm từ thiện nào uy tín, minh bạch và chuyên nghiệp. Nếu không, bạn có thể gửi tới Phòng Công tác Xã hội của các Bệnh viện, vì họ biết ai là người cần trợ giúp, họ hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả và an toàn nữa. Thật buồn khi nghe tin một nữ sinh mất do tai nạn giao thông trên đường đi thiện nguyện, phải không? Mình xin đơn cử tổ chức “Cơm có thịt” (Quỹ học trò nghèo vùng cao) của bác Trần Đăng Tuấn, có lẽ nhiều bạn cũng đã biết. Ở mức độ cao hơn, bạn có thể quyên góp cho các chương trình bảo vệ môi trường, các nghiên cứu về bệnh tật và ung thư, nó sẽ có ảnh hưởng lớn hơn nữa, vì những điều tích cực cho thế hệ tương lai.
Hoặc, đơn giản nhất, hãy hiến máu, vì rằng chắc chắn nó sẽ đến tay những người cần đến nó. Sẽ không ai truyền máu cho người khỏe mạnh, đúng không nào?
P/s: Các bạn có thể tìm hiểu thêm về hiến máu ở các nguồn thông tin chính thống. Mình xin khẳng định, với những bạn đủ tiêu chuẩn sức khỏe thì hiến máu không có hại, thậm chí còn có lợi. Thân ái.”
Bác sĩ Tráng
Facebook Comments