37149: Năm nay tròn 20 năm mình nhập học NEU. Nhìn lại chặng đường đã qua, mình muốn kể câu chuyện của bản thân để chia sẻ với các bạn sinh viên một thông điệp: Đừng bao giờ chấp nhận thực tại và bằng lòng với cái mình đang có.
Câu chuyện số 1:
Sau bao nhiêu chật vật thì mình cũng đỗ NEU năm 2005. Khoa mình học không phải cỡ hàng khủng như TCNH hay KTKT, nhưng cũng thuộc nhóm lấy điểm cao năm ấy. Cô giáo chủ nhiệm vào lớp hỏi ai muốn làm lớp trưởng thì chiều nay tới gặp cô ở văn phòng khoa. Mình tới. Nhưng khi đám sinh viên mới lớn có mặt, cô chốt luôn bạn A vì bạn có điện thoại và nhà ở Hà Nội. Sau này thì mình biết A là một COCC có số có má, gia đình cũng vỗ về chăm sóc cô đủ cả. Kể ra cũng cay. Mình đợi hết kỳ 1 bầu bán lại, để cho cả lớp chọn, và mình được chọn cho vị trí lớp trưởng. Chủ nhiệm không vui nhưng cũng phải im lặng để mình tiếp tục làm. Và mình hoàn thành tốt công việc trong suốt 4 năm học.
Cách duy nhất để có được thứ mình muốn là phải tự giành lấy nó.
Câu chuyện số 2:
Mình trúng tuyển vào một đơn vị viễn thông của Nhà nước ở Cầu Giấy. Lương thử việc: 800K/tháng, lương chính thức 1 triệu/tháng. Mình làm được 1 tuần thì bỏ. Sau đó nộp hồ sơ quay lại trường ứng tuyển làm giảng viên. Nhân viên nhận hồ sơ từ chối vì dùng giấy khám sức khoẻ của TTYT và bắt đi ra bệnh viện khám, trong khi TTYT khăng khăng rằng có thể dùng giấy này đi tìm việc. Ok, mình bỏ.
Sau đó mình trúng tuyển vào một Big 4, làm ở ngay trung tâm HN mà không nhờ mối quan hệ thân quen nào. Sau đó mới biết, mình là người được chọn là vì màn thể hiện trong buổi phỏng vấn và thành tích học tập top đầu khi ở NEU.
Hãy quyết tâm học tốt nhất khi còn ngồi ghế nhà trường, nhưng kiến thức không thì chưa đủ. Để tự tin khi gia nhập thị trường lao động thì không có gì quan trọng bằng việc đi làm cật lực trong thời sinh viên (có những dịp mình làm đến 3 jobs cùng lúc). Ngoài ra, nhớ mài dũa kỹ năng mềm, thứ mà không phải cứ học giỏi là nó tự dưng tới.
Biết chính xác năng lực của mình. Nếu bạn tự đánh giá mình có khả năng làm việc thì đừng dại phí thời gian cho những nơi trả lương thấp hoặc củ hành ngay từ lúc mới nộp hồ sơ.
Câu chuyện số 3:
Lúc mình làm trong bank, điều làm mình ngứa mắt nhất là không hiểu vì sao mình cố gắng quần quật, nhưng tới lúc bầu bán ghi nhận đóng góp thì cả cơ quan lại phải bầu cho một người được sếp lớn chỉ định. Rồi mấy bạn mới đi du học về thì lúc nào cũng được các đồng nghiệp khác xuýt xoa, mặc dù năng lực và thái độ làm việc vẫn còn là dấu hỏi. Mình quyết định học tiếng Anh và tìm học bổng du học. Mình vừa làm vừa học 16 tiếng/ngày để lôi trình độ tiếng Anh từ không biết gì lên C1. Sau đó thì mình tìm được học bổng và bỏ bank sau gần nửa thập kỷ. Ai cũng nói mình điên vì dám bỏ đi lúc hoàng kim nhất.
Mình nghĩ là nếu mình ở lại và làm ở bank cần ấy năm, thì với thân cô thế cô và không có ngoại ngữ, mình sẽ khó mà được thăng tiến và giờ thì hoàn toàn có thể bị sa thải trong lúc bão tố này.
Phải hiểu thế mạnh của mình là gì, đừng đương đầu với thứ mình không có: chỗ dựa.
Again, đừng quên trang bị ngoại ngữ và mài dũa kỹ năng. Việc chấp nhận ngày đi làm chỉ 8-10 tiếng lúc mới ra trường và tối về ngủ vùi cho tới khi lập gia đình chỉ dành cho những bạn có mấy cái nhà Hà Nội. Nếu không thì bạn không có cửa tồn tại ở mảnh đất đầy cạnh tranh này.
Câu chuyện số 4:
Mình được tài trợ toàn bộ tiền trong suốt thời gian du học. Đó là món quà lớn nhất mình nhận được trong đời và mình dành phần lớn thời gian để suy ngẫm về sự khác biệt cũng như đánh gía lại những kiến thức mình đã và đang tiếp nhận. Rồi mình không trụ lại được ở xứ người và phải về nước khi không còn lựa chọn nào khác. Trong suốt 10 năm vừa rồi, mình đã làm ở một vài công ty hàng đầu trong ngành và tiếp xúc với rất nhiều thể loại người khác nhau. Và tôn chỉ của mình luôn là: Làm việc như đấy là business của chính mình. Vì khi coi đấy là “công việc”, bạn sẽ chỉ hoàn thành ở mức độ cho xong. Nhưng nếu coi đấy là “công ty” của mình, sự sáng tạo và năng lượng sẽ liên tục đến với bạn.
Không làm việc nửa vời, hãy luôn cố gắng làm tốt nhất có thể. Khi bạn thiết lập tiêu chuẩn làm việc của mình cao hơn mong đợi của sếp, bạn sẽ nhận được phần thưởng cao hơn nhiều mong đợi của bản thân. Nếu không được như vậy, đã đến lúc bạn bỏ việc.
Gần 20 năm lăn lộn ở Hà Nội, thực sự với mình là một quãng thời gian rất thú vị. Mặc dù mình sẽ phải cân nhắc xem tương lai của Hà Nội có còn là nơi phù hợp cho con cháu mình hay không, nhưng mình mong các bạn nếu còn ở lại Hà Nội, đừng bao giờ bỏ cuộc và không được bằng lòng với cái mà thực tại đưa cho bạn. Nếu không thì không chỉ cơn bão sa thải và giá nhà quật ngã bạn, mà còn những nhân tố bất ngờ khác sẽ san bằng giấc mơ lập nghiệp của cả gia đình bạn.
Facebook Comments